SỰ DI TRUYỀN CỦA CẢM XÚC
- Tina Chinweerapunt
- 27 thg 6, 2020
- 3 phút đọc
Đã cập nhật: 10 thg 12, 2020
- Có một con chuột trong phòng thí nghiệm, người ta tác động đến nó với những kích thích.
- Đầu tiên, người ta giật điện nó. Và tất nhiên, nó rất sợ và đau.
- Sau đó người ta vừa giật điện, vừa cho chuột ngửi mùi hoa anh đào. Chuột sợ và đau với cú giật điện đó đồng thời còn ngửi thấy mùi hoa anh đào.
- Sau một thời gian, người ta không cần giật điện, chỉ cần cho con chuột này ngửi mùi hoa anh đào, thì con chuột vẫn sợ y như lúc bị giật điện.
Đây là phản xạ có điều kiện, cái này thì dễ hiểu rồi. Giật điện ban đầu là kích thích thứ nhất. Mùi hoa anh đào sau này là kích thích thứ hai. Sau này tắt đi kích thích thứ nhất, chỉ cần kích thích thứ hai thì chuột vẫn có phản ứng như thường.
- Cho chuột mẹ này sinh sản.
- Các chuột con sau này chỉ cần ngửi mùi hoa anh đào thì nó vẫn sợ như là chuột mẹ sợ, dù chuột con không hề bị tác động kích thích nào giống chuột mẹ ban đầu.
- Các thế hệ chuột con, chuột cháu sau này cũng tương tự. Và nỗi sợ mùi hoa anh đào được di truyền qua các thế hệ.
- Người ta tiến hành mổ não chuột con và chuột mẹ. Thì nhận ra trong não bộ vùng não “nhận điện mùi hoa anh đào” ở chuột con và chuột mẹ là giống nhau.
- Kết luận là cảm xúc sợ hãi này đã được di truyền.
Như vậy, đôi khi chúng ta nói “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, thì giờ chúng ta có thể nhận biết được rồi đó, nó đôi khi không phải là “nỗi buồn” của mình mà là “nỗi buồn” của các thế hệ đi trước, “nỗi buồn” của tiên tổ.
Các cảm xúc giận dữ, ganh tỵ, hạnh phúc,… đều có thể được di truyền.
Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu người mẹ có nhiều căng thẳng trong lúc mang thai, thì sức đề kháng của trẻ sinh ra rất yếu, hoặc mang theo những cảm xúc giống mẹ.
Rất nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm xúc được di truyền.
Và hãy hình dung, bạn được nhận một trứng từ mẹ và một tinh trùng từ ba. Ba hay mẹ bạn cũng tương tự, được nhận từ ông bà ngoại, ông bà nội,… nếu bạn vẽ một cây phả hệ đi lên thì bạn sẽ nhận ra bạn đang mang tổ tiên về tương lai.
Bạn là sự tổng hợp của tiên tổ đi trước. Và con cháu bạn sau này sẽ lại tiếp tục mang bạn về tương lai. Bạn đang đứng ở dưới cuối của cái phễu, trên cái phễu khổng lồ kia là ba mẹ, ông bà, tiên tổ gởi gắm cho bạn bao nhiêu điều.
Bạn là gạch nối, là cây cầu của tổ tiên đi trước và thế hệ con cháu sau này.
Nếu hôm nay bạn không làm sạch những “hạt giống” hay “chương trình” bên trong bạn, thì sau này con cháu sẽ lãnh đủ.
Ông bà ta có câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, bây giờ bạn có thể hiểu hơn rồi phải không? Nó không chỉ đơn thuần với ý nghĩa “nghiệp” như mọi người hay hiểu hay nói, mà nó thẳm sâu hơn từ trong ADN của bạn.
Nếu bạn “làm sạch” được bên trong bạn thì không chỉ con cháu bạn, mà con đường ngược lại, cha mẹ và ông bà bạn cũng được hưởng nhờ. Nhân gian có câu “nhất nhân chứng đắc, cửu huyền thăng”, có nghĩa “một người mà đắc Đạo thì chín đời cha mẹ ông bà được siêu thăng”.
Hiểu theo nghĩa ở đây, nếu con cái làm sạch những hạt giống được truyền lại, những khó khăn khúc mắc được giải quyết thì ông bà cha mẹ đều được siêu thăng.
Siêu tức là siêu thoát, tức là không còn bị trói buộc nữa. Còn thăng là đi lên. Đi lên tức là tần số rung động cao. Đi lên tức là vượt ra khỏi những xúc tình tiêu cực.
Con đường mà chúng ta đang nói là con đường nhiều chiều. Cha mẹ tác động đến con cái và con cái tác động đến cha mẹ.
Có câu:
“Trời một mặt sáng đầy thiên hạ,
Cầu một cây đưa cả muôn người,
Tu là việc lớn con ơi,
Cứu cha mẹ đặng, độ người cũng xong”.
Chữ “tu” ở đây là “sửa”. Tu là sửa. Sửa cái gì không đúng, sửa cái bị trật ra khỏi con đường của tự nhiên
-----
(Nguồn: Thiện Tiên Phúc)
-----
#MLI #MindfulLivingInstitute #Mindful #Mindfulness #SIY #SearchInsideYourself #Tinhthuc #Wellbeing #Neurosciences
Comments